Đổi thay ở những địa chỉ đỏ
Phường Hoàng Tân (TP Chí Linh) và xã Hợp Tiến (Nam Sách) là hai địa chỉ đỏ tiêu biểu gắn với phong trào cách mạng của tỉnh.
Trở lại nơi đây vào dịp kỷ niệm 79 năm ngày thành lập Đảng bộ tỉnh (10.6.1940 - 10.6.2019) mới thấy cuộc sống người dân đổi thay rất nhiều.
Xây dựng đô thị văn minh
Tháng 3.1930, tại đình Đọ Xá, Hoàng Tân (Chí Linh), đồng chí Trần Cung đã thành lập Chi bộ Đọ Xá, chi bộ đảng đầu tiên của tỉnh Hải Dương, đánh dấu bước chuyển quan trọng của phong trào cách mạng toàn tỉnh. Từ một xã miền núi khó khăn, nay Hoàng Tân đã trở thành một phường phát triển nhanh của TP Chí Linh với thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 55 triệu đồng. Tại đây có 20 doanh nghiệp đứng chân giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Đời sống người dân khởi sắc nhờ các mô hình phát triển kinh tế như nuôi thủy sản ở Đọ Xá; nuôi gà đồi, chăn nuôi gia súc, trồng cây ăn quả ở Đại Bộ, Đồng Chóc, Bến Tắm...
Hòa cùng tốc độ đô thị hóa nhanh chóng của TP Chí Linh, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Hoàng Tân đang tập trung xây dựng đô thị văn minh. Giới thiệu về tuyến phố Đại Tân dài 2,4 km qua trung tâm phường đang được chỉnh trang, đồng chí Nguyễn Thị Nhì, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phường Hoàng Tân cho biết: Từ năm 2018, chuẩn bị cho chủ trương thành lập TP Chí Linh, Đảng bộ phường đã quyết tâm xây dựng đây là tuyến phố văn minh. Phường vận động nhân dân hiến đất mở đường, đầu tư kinh phí mua gạch lát vỉa hè. Địa phương đầu tư hơn 2,6 tỷ đồng trồng cây xanh, lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng và làm rãnh thoát nước. Được sự ủng hộ và vào cuộc của người dân, đến nay phường đã hoàn thiện gần 1 km đường theo tiêu chí đô thị. Cũng trong năm 2018, phường đầu tư hơn 2,2 tỷ đồng cùng nhân dân chỉnh trang, lát vỉa hè, ghi số nhà trên đường Lê Thanh Nghị đi qua địa bàn.
Phường cùng các khu dân cư (KDC) còn vận động nhân dân tự bỏ kinh phí trải bê tông các đường trong khu. Từ năm 2012 đến nay, phong trào hiến đất, đóng góp kinh phí làm đường lan rộng toàn phường. Hàng trăm nhà dân tháo dỡ tường, cổng, các công trình phụ trợ, mỗi nhân khẩu đóng góp từ 500.000-1 triệu đồng làm đường. Đến năm 2018, gần 20 km đường nội khu bằng đất nay đã được bê tông hóa to đẹp. Đối với KDC Đọ Xá, mặc dù còn khó khăn song mỗi nhân khẩu cũng đóng góp từ 500.000-800.000 đồng trải bê tông toàn bộ 4 km đường trong khu. Hiện hơn 10 hộ dân đang dỡ tường hiến đất để xây dựng tuyến đường dẫn về khu di tích đình Đọ Xá.
Dồn sức kiến thiết đô thị, những năm qua, Đảng bộ phường Hoàng Tân đã ra quyết sách xây dựng hàng loạt các công trình phúc lợi. Năm 2017-2018, hoàn thành trạm y tế 2 tầng khang trang, xây dựng 4 phòng học Trường THCS Hoàng Tân cùng khuôn viên. Năm nay, phường tiếp tục xây 4 phòng học Trường Tiểu học Hoàng Tân, mở rộng khuôn viên trường mầm non, xây 4 nhà văn hóa các KDC Bến Tắm, Đại Bộ, Đại Tân, Đại Bát (kinh phí đầu tư mỗi nhà văn hóa hơn 1 tỷ đồng)... Có sự chuyển mình ấn tượng đó là kết tinh sức mạnh của Đảng bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quê hương.
Thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị
Sau khi đạt chuẩn nông thôn mới, xã Hợp Tiến tiếp tục quan tâm xây dựng các công trình phúc lợi
Ở mảnh đất cách mạng Hợp Tiến, nơi ghi dấu sự kiện thành lập Đảng bộ tỉnh (10.6.1940) những ngày này, việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị cũng được Đảng bộ và nhân dân đẩy lên cao độ. Bí thư Đảng ủy xã Hợp Tiến Lê Văn Ba cho biết: Theo đề án sáp nhập, chia tách thôn, KDC của tỉnh, xã Hợp Tiến có thôn Bến sáp nhập vào thôn Đầu. Lúc đầu, do người dân chưa thông nên nảy sinh nhiều ý kiến trái chiều. Đảng ủy xã đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể vào cuộc tích cực tuyên truyền, vận động nên nhân dân hai thôn đã đồng tình, thôn mới Đầu Bến được thành lập. Cuối tháng 5 vừa qua, Đảng ủy xã đã ra quyết định giải thể các chi bộ thôn cũ, thành lập chi bộ mới gồm 98 đảng viên, kiện toàn Ban chi ủy lâm thời. Đầu tháng 6, Chi bộ thôn Đầu Bến đã tổ chức phiên họp đầu tiên sau khi hợp nhất. Các đảng viên đều phấn khởi, quyết tâm xây dựng chi bộ vững mạnh, thực hiện hiệu quả vai trò lãnh đạo, chỉ đạo các nhiệm vụ của cơ sở.
Thực hiện đẩy mạnh học tập và làm theo Bác, xã đã đề ra các khâu đột phá tập trung vào các vấn đề bức xúc của địa phương. Hệ thống chính trị ở cơ sở, năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành của đội ngũ cán bộ đã được nâng cao, hoạt động của tổ chức đảng, chính quyền và đoàn thể rõ nét hơn. Trong đợt rà soát đảng viên dịp 19.5, xã Hợp Tiến không có đảng viên nào thuộc diện vi phạm.
Đảng ủy xã đề ra nhiều giải pháp lãnh đạo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt gần 42,8 triệu đồng. Cả 5 thôn đều được công nhận là làng văn hóa.
Hợp Tiến được huyện Nam Sách chọn xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015. Sau 5 năm triển khai, xã đã huy động được gần 109 tỷ đồng xây dựng hạ tầng cơ sở. Trong đó, người dân đóng góp gần 11tỷ đồng, hiến hơn 300.000 m2 đất và hơn 20.000 ngày công để chỉnh trang hệ thống giao thông, thủy lợi. Sau khi đạt chuẩn nông thôn mới, xã tiếp tục xây dựng các công trình phúc lợi. Năm 2018, hoàn thành 4 phòng học của Trường Tiểu học Hợp Tiến, trụ sở làm việc xã, nhà đa năng Trường THCS Hợp Tiến với tổng kinh phí hơn 6,5 tỷ đồng. Hiện xã đang đầu tư hơn 4 tỷ đồng xây dựng 4 phòng học trường mầm non.
Năm 2018, xã chỉ đạo các thôn nâng cấp, mở rộng 2,8 km đường trong làng, ngoài đồng. Trong đó, xã hỗ trợ 400 triệu đồng/km, phần còn lại nhân dân đóng góp. Hiện xã đang phối hợp với huyện mở rộng 450 m đường liên xã chạy qua địa bàn.
Phát huy truyền thống, Đảng bộ và nhân dân những địa chỉ đỏ cách mạng Hoàng Tân, Hợp Tiến không ngừng nỗ lực xây dựng quê hương ngày càng khởi sắc.
NGỌC HÙNG (BÁO HẢI DƯƠNG)
Nhận xét Facebook (0)